Tin tức

Bổ sung các dự án nguồn điện vào Quy hoạch điện VI

Bộ Công Thương đang chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị tư vấn lập Quy hoạch các Trung tâm điện lực (TTĐL) trong Quy hoạch điện VI và triển khai nghiên cứu bổ sung quy hoạch một số TTĐL mới.

Bộ Công Thương đang chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị tư vấn lập Quy hoạch các Trung tâm điện lực (TTĐL) trong Quy hoạch điện VI và triển khai nghiên cứu bổ sung quy hoạch một số TTĐL mới tại các tỉnh như Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hoá 2, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Sơn Mỹ (Bình Thuận). Các quy hoạch này sẽ lần lượt hoàn thành từ nay tới cuối năm.

Hiện Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi các địa phương và chỉ đạo các công ty tư vấn thực hiện đúng các quy định hiện hành liên quan tới việc hướng dẫn các nhà đầu tư các dự án điện. Tránh tình trạng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà đầu tư các dự án chưa có trong quy hoạch được duyệt.

Như vậy, tính đến nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt 7 TTĐL gồm Mông Dương, Nghi Sơn, Vĩnh Tân, Ô Môn, Trà Vinh, Sóc Trăng và Thái Bình. Trong đó, Quy hoạch TTĐL Thái Bình có tổng công suất 1800 MW, bao gồm hai dự án. Dự án 600 MW là dự án thay thế dự án 300 MW của dự án điện Ninh Bình 2. EVN đang khẩn trương lập Báo cáo đầu tư xây dựng dự án này và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định bổ sung dự án này vào Quy hoạch điện VI.

Đối với TTĐL Sơn Mỹ 2400 MW, bao gồm  2 dự án chạy than chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ chọn chủ đầu tư. Hơn nữa đây là TTĐL thứ hai về đốt than tại tỉnh Bình Thuận nên theo Bộ Công Thương, vấn đề tác động môi trường và truyền tải điện năng về trung tâm phụ tải khu vực miền Nam cần được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng. Ngoài ra, trung tâm này đã được quy hoạch cho sử dụng khí từ lô Sư Tử Trắng và mua khí của LaTura (Ma-lai-xi-a). Vì vậy, Bộ Công Thương đã giao cho Công ty Tư vấn Xây dựng điện 2 lập quy hoạch địa điểm Sơn Mỹ bằng nguồn vốn lấy từ phí phát triển dự án điện BOT đã được Bộ Tài chính chấp thuận; trong đó, đặc biệt nghiên cứu kỹ các vấn đề khả năng cung cấp khí, ô nhiễm môi trường, đấu nối hệ thống điện quốc gia... để báo cáo trong tháng 6/2008.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã cùng với EVN chỉ đạo các công ty tư vấn lập các dự án đấu nối lưới điện đồng bộ và hiệu chỉnh bổ sung các đề án đấu nối đã phê duyệt của các TTĐL trong Quy hoạch điện VI cho phù hợp với tiến độ thực tế.

Bộ Công Thương cho rằng, vấn đề chuẩn bị các địa điểm mới xây dựng các TTĐL chạy than đang được các nhà đầu tư rất quan tâm. Tuy nhiên việc quy hoạch các TTĐL chạy than lại phần lớn tập trung vào khu vực miền Bắc, miền Trung còn ở miền Nam vẫn còn có nhiều khó khăn do việc phải dùng than nhập và vận tải than nói chung. Theo tính toán, tổng số lượng than cần phải nhập khẩu đến năm 2015 trên cơ sở Quy hoạch điện VI được duyệt là khoảng 39 triệu tấn. Năm 2016 tăng lên gần 55 triệu tấn./.